[Book Review] Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford

Ảnh minh hoạ: lấy từ Internet
Cuốn sách thứ ba của Huyền Chip. Mình chưa đọc “Xách ba lô lên đường và đi” nên đánh giá cuốn sách này với tư tưởng khách quan và độc lập. Thực tình ban đầu không định mua cuốn này, ra tiệm sách thấy tựa sách kêu quá, về American Dream lại còn viết về cả Stanford, trường ĐH hàng đầu nước Mỹ nên khá tò mò. Nhìn chung cuốn sách dễ đọc, vui vui nhẹ nhàng phù hợp với mục đích giải trí. Huyền Chip thực sự rất giỏi và can đảm. 18 tuổi đi gap year đến tận Châu Phi, học bổng Stanford, xuất bản 3 cuốn sách và đang theo học chuyên sâu về Trí Tuệ Nhân Tạo – một ngành học đầy hứa hẹn cống hiến cho thế giới.
“Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford” kể về cuộc sống sinh viên tại Stanford, những áp lực thi cử, quan hệ bạn bè và một ít chuyện tình cảm của Huyền tại trường. Đọc cuốn sách thấy một sự trưởng thành và điểm đạm hơn ở Huyền Chip. Bản thân Huyền trong sách cũng đã thừa nhận rằng với cô, Stanford là cơ hội làm lại từ đầu, “bỏ lại quá khứ đằng sau lưng”. Nhưng thực tình cá nhân mình thấy những gì Huyền đã làm trong quá khứ thực sự rất đáng nể và đáng kể. Dù cho có những um sùm bên lề nhưng Huyền đã làm được điều mà không phải ai cũng dũng cảm làm được. Cô vẫn sẽ đi khám phá thế giới nhưng không phải chỉ đơn thuần là đi, không có mục đích như trước nữa. Cô đi và biết mình cần phải trở về, tạo ra điều có ích cho xã hội. Một câu nói của nhân vật James trong truyện, “Con người sinh ra là để cống hiến, không phải để cảm nhận. Những kẻ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỷ” khiến mình cảm nhận những người trẻ ở Stanford đầy hoài bão và ước mơ với tinh thần học tập nghiêm túc.
Cuốn sách có thể truyền cảm hứng cho người trẻ học tập và cống hiến, một khi có ước mơ thì cần chuyên tâm và nghiêm túc vào việc thực hiện mục tiêu. Như triết lý của Jamie , mỗi con người có 4 cái bếp: gia đình, sức khoẻ, sự nghiệp và bạn bè. Để thành công, bạn buộc phải lựa chọn tắt đi 1 thậm chí là 3 cái bếp.
– Điểm “hơi thiếu sót” ở cuốn sách
- Tên sách không ăn nhập với nội dung sách lắm. Các cuốn sách của Huyền Chip đều có tên khá kêu! “Xách balo lên đường và đi”, “Đừng chết ở Châu Phi” hay “Giấc mơ Mỹ – đường đến Stanford” cũng vậy. Tựa sách lần này hay và kích thích sự tò mò, khiến mình kỳ vọng Huyền Chip sẽ kể về quá trình apply học bổng, những khó khăn trước khi nếm được trái ngọt để đặt chân đến Stanford, tâm lý của Huyền sau ồn ào cũ mà trong sách Huyền Chip có nói đại ý rằng “muốn xé bỏ quá khứ và mở một trang mới của cuộc đời”. Tuy nhiên cuốn sách đơn thuần kể về một số áp lực bài vở tại Stanford, những gì diễn ra tại đó và chưa thấy có vẻ gì của Giấc mơ Mỹ hay con đường đến Stanford cả.
- Nội dung đơn giản và quá ngắn. Phần đầu của sách viết khá chắc và còn có một số điểm nhấn như áp lực trở thành người hoàn hảo và hạnh phúc ở Stanford. Nhưng đến khúc sau thì nội dung thấy không có gì đáng để nói, nhất là câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng đến mức chẳng có gì để nhớ…Vì quá ít câu chuyện để kể nên mình thấy cái kết của cuốn sách bị hẫng. Sẽ ổn hơn nếu Huyền Chip để dành đến khi học xong và viết lại cả quá trình ở Stanford cho hoàn chỉnh. Nội dung quá ngắn khiến người đọc như mình cảm giác sách được phát hành theo kiểu mỳ ăn liền chứ chưa đủ chất liệu và nội dung để viết.
- Có nhiều điểm mình kỳ vọng ở cuốn sách mà tiếc là lại không được đề cập sau hơn. Ví dụ như việc Huyền lựa chọn học chuyên sâu về Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) mà cô nhắc đến ở bìa phụ. Một quyết định rất thú vị nhưng không được Huyền đề cập kỹ cơ duyên nào dẫn đến việc Huyền chọn ngành này.