Myanmar Phần 1: Nín thở tại Bagan
- 1.Myanmar Phần 1: Nín thở tại Bagan
- 2.Myanmar Phần 2: Taunggyi Thầm Lặng
- 3.Myanmar Phần 3: Bình dị Mandalay
- 4.Myanmar Phần 4: Sự tử tế ở Yangon
KINH NGHIỆM DU LỊCH MYANMAR – PHẦN I – NÍN THỞ TẠI BAGAN
Nhân kỳ nghỉ 10 ngày Giáng Sinh và Tết Dương ở cơ quan, tôi lên kế hoạch khám phá Myanmar. Thực ra ban đầu nghỉ lễ tôi không định đi đâu cả, nhưng tranh thủ mới quen các bạn Myanmar và cô bạn thân vừa đi về feedback rất tốt nên tôi quyết tâm đi chỉ 3 tuần trước kỳ nghỉ. Chuyến đi khá bất ngờ vì mọi thứ đều được quyết rất nhanh. Lúc đầu tôi còn lưỡng lự chưa định đi vì muốn rủ thêm một người bạn đồng hành. Một hôm trong bữa trưa, các chị tại cơ quan ngay lập tức kết nối tôi với Hằng Dương, cô bạn đồng nghiệp. Hằng ok tham gia tức thì, và việc cần làm trước tiên là tìm vé giá rẻ.

Ảnh: Màn đêm dần buông tại Bagan
Ngay sau khi đặt vé máy bay của Vietnam Airlines với phí khoảng 200 USD/người, tôi liên hệ với các bạn người Myanmar để xin lời khuyên và tư vấn. Biết tin tôi sẽ đến Myanmar, cô bạn May Oo liền xin nghỉ phép 1 tuần để dẫn chúng tôi đi. Thực ra tôi khá bất ngờ vì sự nhiệt tình của May. Từ đầu đến cuối chuyến đi, May và Aye – chị của May lên kế hoạch, nhất quyết không cho chúng tôi lo một phần nào cả. Việc duy nhất chúng tôi cần làm là cho May biết budget tối đa bao nhiêu, thích đi những đâu và duyệt lịch trình của cô bạn. Dù tôi và Hằng đòi book khách sạn để san sẻ công việc, May không đồng ý và luôn nói “Mày không cần lo lắng gì cả. Tao sẽ lên hết lịch trình vì tao là dân bản địa”. Còn Thet, một cô bạn khác thì tìm cách book xe giúp tôi vì cô đang mở Start-up về ứng dụng book vé xe buýt. Đây là một ví dụ của việc người dân Myanmar thực sự rất hiền hậu, nhiệt tình và chất phát.
Vì chuyến đi từ B đến Z đã được các bạn người Myanmar lo nên tôi không thể review chi tiết về cách book phòng và phương tiện đi lại, mà chỉ đề cập đến những địa điểm ấn tượng chúng tôi đã đi qua, khách sạn chúng tôi ở, nhà hàng đã ăn, và những câu chuyện bên lề.
Vé máy bay: tôi book vé máy bay Vietnam Airlines đúng 3 tuần trước khi khởi hành. May mắn vẫn còn vé giá rẻ, khoảng 4,600,000 VND cho chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội đến Yangon. Giá bình thường chưa khuyến mãi rơi vào khoảng 8,700,000 VND
Lịch trình: Yangon – Bagan – Taungyi (Inlay Lake) – Mandalay – Pyin Oo Lwin – Mandalay – Yangon trong vòng 7 ngày.
Ngày 1 (29.12.2015): Chúng tôi đến Yangon vào 19h, đến 23h di chuyển đến Bagan xuyên đêm.
Ngày 2 và 3 (30.12 và 31.12.2015): Ở lại Bagan 2 đêm
Ngày 4 (01.01.2016): Di chuyển đến Taunggyi vào 4h sáng. Trên đường đi sẽ thăm các địa danh ở Shan States, Pindaya và ở lại Taunggyi vào đêm mùng 01.01.
Ngày 5 (02.01.2016): Sáng 6h di chuyển đi Inlay Lake và tiếp tục đến Mandalay. Nghỉ đêm tại Mandalay.
Ngày 6 (03.01.2016): di chuyển đến Pyin Oo Lwin (thành phố giống Sapa) vào buổi sáng rồi quay lại Mandalay vào buổi chiều muộn. Nghỉ đêm tại Mandalay.
Ngày 7 (04.01.2016): chơi ở Mandalay buổi sáng, chiều muộn quay về Yangon.
Ngày 8 (05.01.2016): chơi ở Yangon buổi sáng, 15h ra sân bay. Kết thúc hành trình.
Ảnh: Cuộc sống bình yên tại Bagan
Phương tiện đi lại: Ban đầu chúng tôi dự định đi xe buýt để di chuyển giữa các thành phố. Thet kiểm tra vé xe buýt giùm tôi nhưng vé hiện còn rất ít vì là mùa cao điểm và nếu đi xe buýt sẽ hơi bất tiện do các địa điểm muốn tham quan rất nhiều mà thời gian 7 ngày khá eo hẹp.
May sau đó gợi ý thuê một chiếc ô tô 5 chỗ và một bác lái xe. Chi phí thuê ô tô rơi vào khoảng 620 USD cho cả chuyến đi chia đều cho 3 người (420 USD tiền xe và tài xế, 200 USD tiền xăng). Giá chênh lệch so với xe bus cho cả hành trình vào khoảng 150 – 200 USD/ 3 người. Nghĩa là nếu lựa chọn thuê xe ô tô, mỗi người cần chi thêm khoảng 50-70 USD. Nhận thấy đây là lựa chọn hợp lý vì nếu đi xe buýt chúng tôi sẽ cần xách đồ lỉnh kỉnh trong khi lịch trình khá dày, với nguyện vọng thăm thú nhiều thắng cảnh. Hơn nữa thời gian sẽ không được thoải mái vì phải đi theo giờ chạy của xe. Cả May và Thet đều khuyên chúng tôi đi xe ô tô thay vì xe buýt. Vậy chốt lại chúng tôi chọn ô tô. Và đây quả là lựa chọn đúng đắn.
Chúng tôi bên chiếc xe cùng Aye, May, và chú lái xe, những người Myanmar hiếu khách và tốt bụng
Đổi tiền: Nên mang USD sang Myanmar để đổi vì được giá hơn, và ở Hà Trung (*dãy phố đổi tiền tại Hà Nội) không có tiền Kyat. Có hai nơi nên đổi: 1 là ở sân bay Yangon, 2 là tại Mandalay. Ngay trong sân bay có rất nhiều quầy đổi tiền nhưng 2 quầy dưới đây là giá có lợi cho khách nhất.
Giá vào khoảng 100 USD = 137000 Kyat.
Lưu ý: nên mang đô mệnh giá 100 USD thì sẽ đổi được giá có lợi nhất và họ sẽ đưa bạn tiền chẵn (mệnh giá 5000 Kyat). Đô lẻ (1, 5, 10, 20 USD) sẽ chịu giá thấp hơn và họ sẽ đưa bạn cả 1 cọc tiền lẻ rất khó cầm.
NGÀY 1: ÁNH SÁNG TẠI YANGON
Chúng tôi đáp xuống sân bay vào 18h30’. Sân bay ở Yangon nhỏ, giản dị, sạch sẽ, tuy nhiên quy trình nhập cảnh hơi lâu. May đón chúng tôi tại sân bay. Khi thấy May lái ô tô đến chúng tôi khá bất ngờ. Sau đó hỏi ra mới biết các bạn Myanmar đến 18 tuổi là đủ tuổi được cấp bằng lái, và hầu như các bạn trẻ ở Yangon đều sở hữu xế hộp. Trước đây giá mua xe oto rất cao, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ sự thay đổi trong chính sách mà giá mua oto rẻ hơn khoảng 5 lần, dao động từ 9,000 – 10,000 USD để sở hữu một chiếc xe oto 4 chỗ. Hơn nữa ở Yangon cấm xe máy nên phương tiện đi lại là oto và xe bus. Vào giờ tan tầm, tắc đường với lưu lượng xe oto dày đặc nhưng vẫn nhích lên được chứ không đến nỗi kẹt cứng không di chuyển (Không biết ta có nên gọi là “tắc đường” không nhỉ? Just Kidding :v)
Ảnh: Xe bốn bánh rất phổ biến tại Yangon
May dẫn chúng tôi đến một quán Bar rooftop dùng bữa tối, từ quán Vista Bar này có thể nhìn ra chùa Shwedagon rực sáng màn đêm, ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Yangon. Tuy là bar rooftop nhưng quán giống một nhà hàng ăn – café với chỗ ngồi đơn giản, đồ ăn giá hợp lý, khoảng 2000 kyat món điểm tâm và 5000 kyat các món ăn chính. Bữa ăn đầu tiên được các bạn Myanmar mời nên chúng tôi rất cảm kích. Gary, một cậu bạn người Myanmar gửi 1 túi đồ ăn Mc Donald do chị cậu mua ở nước khác về tặng cậu (Bởi Mc Donald chưa mở tại Myanmar nên đối với Gary đây là món quà “quý hiếm”) để chúng tôi dùng trên đường đến Bagan. Còn Thet, cô bạn mở công ty start-up về phần mềm tặng mỗi đứa chúng tôi một chiếc váy truyền thống của Myanmar. Tôi nhớ trong chương trình giao lưu ASEAN – Ấn Độ, nơi chúng tôi quen nhau, các bạn Myanmar luôn chuẩn bị kỹ những món quà lưu niệm giới thiệu văn hóa Miến Điện. Đến giờ số quà lưu niệm tôi sở hữu từ Myanmar là nhiều nhất.
Thật may vì chúng tôi có chuẩn bị bánh cốm và bánh đậu xanh tặng các bạn.
Còn nhiều câu chuyện nữa về những người bạn của tôi, những người trẻ từ đất nước mới mở cửa này tôi sẽ đề cập cụ thể ở một phần riêng.
Ảnh: Những người bạn Myanmar trên Vista Bar – Yangon, quán nhìn ra được chùa Shwedagon nổi tiếng
Vista Bar, 168 West Shwegondine, Bahan, Yangon; +95 (0)1 559 481
Ảnh: Chùa Shwedagon nhìn từ Vista Bar
23h, chúng tôi đến nhà May để lên xe khởi hành đi Bagan
————————————————————-
NGÀY 2: BAGAN – CỐ ĐÔ MƠ MÀNG
Nằm giữa miền Trung Myanmar, Bagan từng là thủ đô của Myanmar trong 230 năm, giữa thế kỷ 11 và 13. Nơi đây tập trung hơn 4000 ngôi đền chùa. Trong đó có tới 2217 ngôi đền còn tồn tại và 2000 công trình đã bị phá hủy. Hơn 2000 ngôi đền chùa còn sót lại ở Bagan chỉ nằm trong diện tích 42 km thuộc Bagan Cũ, bên trái bờ sông Ayeyarwady. Nói đến Bagan, là nói đến bình minh lộng lẫy và hoàng hôn hùng vĩ đẹp đến nín thở tại vùng thánh tích. Sẽ là lãng phí nếu bạn đến Bagan mà không xem trọn khoảnh khắc mặt trời lặn và mọc ở đây.
I. ĂN UỐNG
Đồ ăn tại Myanmar cực ngon và rẻ. Đây là điều tôi thực sự bất ngờ và thích thú.
Có hai điểm đặc biệt trong văn hóa ăn uống ở Myanmar.
Một là khi bạn muốn gọi người phục vụ, bạn sẽ giơ cao hai tay, vỗ vào nhau. Khi nhìn thấy cử chỉ này tôi khá lạ lẫm, vì ở Việt Nam, vỗ tay lên như thế này nhìn như gọi … cún vậy. Nhưng tại Myanmar, điều này khá phổ biến, dù chính những người bạn của tôi có nói cách gọi này cũng hơi mất lịch sự một chút.
Hai là trên bàn ăn luôn có một người gắp đồ ăn cho những người còn lại trong bàn, và thường là người trẻ tuổi hơn chủ động làm việc này.
- Quán Feel Express: đây là quán ăn mở 24/7 và có rất nhiều tại các điểm nghỉ. 4h sáng chúng tôi dừng chân ở trạm nghỉ có nhà hàng Feel Express chuyên bán đồ truyền thống của Myanmar với giá cực rẻ. Cả 4 người chúng tôi ăn bét nhè, có món mỳ truyền thống, súp và cơm trứng chỉ hết tổng cộng 6000 kyat, vị chi mỗi người tốn khoảng 1500 kyat (khoảng 20,000 VND).

Đây là bức ảnh đầu tiên của năm 2016. Tôi đón năm mới với cô bạn May 🙂

Tiệm Feeling Express trông như thế này
- Quán Pyi Sone: đồ ăn ở đây khá ngon, giá hợp lý, chỗ ngồi bình dân, sạch sẽ, bên cạnh là khách sạn New Waves. Có món súp Cá (Fish Head Soup) ăn khá lạ miệng. Tại đây hóa đơn của chúng tôi hết tổng cộng 18100 kyat. Mỗi người trả 4500 kyat (khoảng 80,000 VND/người cho một bữa tối no nê với khoảng 6 món, bia và nước hoa quả)

Cô bạn May gắp thức ăn cho cả bàn. Theo cô chia sẻ, ở Myanmar người nhỏ tuổi hơn sẽ gắp thức ăn mời những người khác trong bàn.
- Quán Myo Myo: nếu có quán ăn đáng nhớ nhất thì có lẽ Myo Myo chính là nhà hàng đó. Cửa hàng có phong cách giống một quán cơm bình dân ở Việt Nam. Tại đây người phục vụ sẽ bê tất cả các món ăn ra. Mỗi món được để gọn gàng trong đĩa và bát nhỏ. Khách muốn ăn món nào sẽ lựa đĩa đó, những món không ăn để riêng ra một góc bàn. Chủ quán sẽ chỉ tính tiền những món được chọn. Myo Myo Restaurant rất đông người dân địa phương và khách nước ngoài đến ăn, nhưng quán mở đến đúng 12h trưa rồi đóng cửa. Đây là cửa hàng tôi thực sự muốn giới thiệu vì đồ ăn rất ngon và giá cực kì hạt rẻ. Chỉ 3500 kyat (khoảng 50k) mỗi người mà ăn uống thoải mái có đủ món khai vị, món chính và hoa quả, đồ ăn ngọt tráng miệng.

Phong cách quán bình dân và phục vụ rất nhanh

Món tráng miệng chuối chiên tuyệt vời, vị ngọt tiết ra từ chuối trộn với dầu rất thanh

Các món ăn đa dạng, đặc biệt món thịt lợn và lạp sườn rất ngon
Quán Sunset Restaurant: đây là quán ăn vô cùng sang chảnh nhưng giá rất hợp lý. Đúng như tên gọi, nhà hàng này có view nhìn ra dòng sông thơ mộng để ngắm hoàng hôn. Buổi chiều hôm đó chúng tôi dự định sẽ đến đây ngắm hoàng hôn nhưng khi tới thì mặt trời đã lặn mất rồi. Tuy nhiên rất may mắn chúng tôi được chứng kiến cảnh bầu trời rực hồng (màu hồng chứ không phải màu đỏ).
Giá thành: 37,000 kyat (8125 kyat/người – khoảng 6 USD/người)
Không gian: sang trọng, đẹp, river side view, có thể nhìn thấy chùa Tu Ywin Taung trên núi Tu Ywin ở bên kia sông. Du khách nên đến ăn vào khoảng 17h để ngắm hoàng hôn và kết thúc bữa ăn lúc 19h vì khi trời tối, rất nhiều côn trùng bay xung quanh và nhà hàng đóng cửa vào 20h.

Bữa ăn tối đầu tiên năm 2016 của chúng tôi

Không gian quán rộng rãi, thoáng đãng

Ăn trong ánh nến không lãng mạn chút nào đâu, tôi phải căng mắt ra để không ăn nhầm các con côn trùng
Mục đích chúng tôi dùng bữa tối ở đây là để ngắm hoàng hôn. Nhưng khi chúng tôi đến mặt trời đã lặn mất. Nhưng rất may mắn, đột nhiên trước khi trời tối hẳn, bầu trời xanh bỗng chuyển sang một màu đỏ, rồi hồng rực, phản chiếu xuống dưới dòng sông thơ mộng. Đây là khoảnh khắc đẹp nhất ở Bagan đối với tôi.

Ảnh: Đúng như tên gọi của quán, Sunset Restaurant là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt vời
II. DANH LAM THẮNG CẢNH
Tại Bagan có khoảng 2000 chùa, đền. Bạn sẽ không thể đi thăm hết được nhưng có một số địa danh nổi bật dưới đây. Một lưu ý là khi vào thăm chùa, du khách bắt buộc phải cởi bỏ tất và giày, chỉ đi chân trần. Ngoài ra, khách thăm chùa nên đi theo kiểu Kora, nghĩa là đi vào một cổng chính, đi theo hướng trái sau đó men theo bên phải hành lang rồi đi trọn một vòng, trong đầu thầm nhủ điều ước nguyện.
- Núi Popa (Popa Mount)
Trên đường đến Bagan, chúng tôi dừng lại ở núi Popa. Đây là miệng của một ngọn núi lửa đã tắt cách đây 2.500 năm, cách Bagan khoảng 50km về phía đông nam. Vì vậy nếu đi từ Yangon đến Bagan, bạn có thể dừng chân tại Núi Popa. Ngọn núi cao 1.520 mét, trên đỉnh là Ngôi Đền Taung Kalat, là nơi thờ phụng 37 vị thần NAT – vị thần bảo hộ cho người dân cơ cực ở Myanmar. Có 2 điểm đặc biệt ở ngôi đền này khiến tôi nhớ mãi. Để lên được Đền Taung Kalat, bạn phải đi 777 bậc thang với chân trần, mất khoảng 45’. Trên đường đi có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn và đồ lưu niệm. Những nơi có người lau bậc thang khá sạch sẽ thì du khách có thể gửi họ một ít tiền cảm ơn. Tuy nhiên không phải chỗ nào cũng sạch, có những khu vực rất bẩn vì điểm đặc biệt thứ hai sau đây: Có rất nhiều khỉ ở Popa Mount. Từ cổng cho đến đường lên đền, chúng ở khắp mọi nơi chọc ghẹo du khách. Vì có nhiều khỉ nên đường đi không được sạch sẽ lắm.

Từ Đền Taung Kalat, có thể nhìn toàn cảnh ở dưới với những chùa đền nối tiếp nhau.

Khỉ ở khắp mọi nơi khiến đường lên đền khá bẩn

Du khách cần leo 777 bậc thang bằng chân trần

Mang tên gọi mỹ miều là 1 trong những Thiền viện cô đơn nhất thế giới nhưng tại đây mọi thứ không quá cô đơn với hàng quán khắp nơi

Hoa magnolia đóng trong bình, chỉ có duy nhất tại Popa Mount
Tuy nhiên nếu bạn không có nhiều thời gian, theo tôi hoàn toàn có thể tạm thời không đặt Mt Popa vào lịch trình, mà dành thời gian khám phá những ngôi chùa, đền khác ở Bagan, Mandalay và Yangon.
- Xưởng làm đường cọ
Trên đường đến Bagan, chúng tôi ghé thăm một xưởng chuyên làm kẹo, rượu, hộp và túi từ cây cọ. Chúng tôi thử món kẹo đường và rượu từ cọ, khá ngon nhưng rất ngọt. Sau khi thấy chúng tôi có vẻ hứng thú, bác chủ nhà cất công thực hành lại quá trình chiết xuất dầu cọ. Đây cũng là điểm đặc biệt của road trip, dừng bất cứ nơi nào thú vị. Thực lòng tôi rất cám ơn May và Aye đã là những hướng dẫn viên du lịch vô cùng tuyệt vời.

Các món kẹo làm từ đường cọ

Ảnh trên: Món tráng miệng truyền thống của người Myanmar với đậu phộng, mè, tỏi sấy khô Ảnh dưới: Túi làm từ lá cọ

Tôi thử giã lá và trèo lên cây cọ xem sao :”>
3. Các danh lam thắng cảnh tại Bagan
3.1. Ngắm bình minh: có một số địa điểm lý tưởng để ngắm mặt trời mọc. Trong đó, May và chị gái cô giới thiệu chúng tôi đến Shwe San Taw.
Chùa Shwe San Taw: được xây dựng vào năm 1057 bởi vua Anawrahta. Ngôi chùa có năm tầng hành lang để ngắm mặt trời mọc và cần leo thang khá cao. Shwe San Taw rất nổi tiếng nên khi chúng tôi có mặt tại đây lúc 5h sáng, đã có rất nhiều du khách nước ngoài chực chờ để đón bình minh. Điểm đặc biệt là khi mặt trời bắt đầu nhô cũng là lúc những quả khinh khí cầu bay lên. Hãy tưởng tượng cảnh bạn chờ đợi từ khi trời tối thui, phía trên là mặt trăng, xa xa ngôi chùa cổ kính Ananda và những chùa bao quanh phát sáng. Bầu trời từ đen dần chuyển sang màu xanh đậm, xanh navy rồi đỏ, cam, vàng. Khi bầu trời bao phủ bởi màu cam rực rỡ cũng là lúc những quả khinh khí cầu chầm chậm nhô lên. Tất cả mọi người xung quanh đều im lặng, nín thở để chờ đợi khoảnh khắc đó. Bình minh ở Shwe San Taw mãi là khoảnh khắc đẹp với tôi bởi khi chúng ta chờ đợi một điều gì đó rất lâu, đầu óc dường như trống rỗng, chỉ có đôi mắt luôn hướng và nơi ta mong đợi. Tại đây bạn cần chú ý phải đứng ở nơi nhìn ra hướng Đông, nếu không bạn sẽ không thấy mặt trời và khinh khí cầu bay lên. Từ trên đỉnh Shwesandaw nhìn xuống sẽ thấy khung cảnh mênh mông chùa tháp của Bagan rực rỡ mà thanh bình, mơ màng trong ánh bình mình vàng ươm.
Trước đây tôi từng đặt mục tiêu một ngày ngồi trong khinh khí cầu ngắm hoàng hôn ở Bagan. Nhưng với giá vé 300 USD/người và cần book trước 1-2 tháng, tôi quyết định để dành mục tiêu này cho tương lai.
Nếu bạn muốn có một chỗ đẹp để ngắm bình minh, hãy có mặt vào lúc 4h30 sáng.
Ảnh: Bình mình tại Bagan với những tòa tháp cao thấp khác nhau, và khinh khí cầu bay lên nhẹ nhàng trong ánh bình minh rực rỡ

Các đền tháp ở Bagan được làm bằng gạch nung đỏ nhìn cổ kính và và nhẹ nhàng

Ảnh (Hằng Dương): Rất đông du khách chuẩn bị máy ảnh, tripod để ghi lại khoảnh khắc bình minh tại Bagan

Nhìn từ trên tháp, Bagan trầm mặc và bình yên với những ngọn tháp gạch nung đỏ cao thấp khác nhau

Ảnh: để lên được đỉnh tháp ngắm bình minh, du khách phải leo thang bậc cao và dài
3.2. Ngắm hoàng hôn
Chùa Pya thak Gyi: 4h chiều có mặt tại chùa PyaThak Gyi nhưng nơi đây đã đông nghịt người ngồi đợi hoàng hôn. Đường lên chỗ ngắm mặt trời rất bé, chỉ đủ cho 1 người lên nên du khách chen chúc nhau khá mệt. Tại đây bạn có thể ngắm cả Bagan với những tòa tháp, chùa nhô lên trong nền xanh của lá và nền vàng của hoàng hôn. Thời tiết man mát dễ chịu, xung quanh tĩnh lặng. Nếu có thể đặt tên cho Bagan, tôi sẽ gọi đây là “thành phố của sự thanh bình”

Khách du lịch đến ngắm hoàng hôn ở Chùa Pya thak Gyi rất đông

Hoàng hôn ngắm từ Chùa Pya thak Gyi
3.3. Một số ngôi chùa khác: vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ đến một số ngôi chùa tiêu biểu mà không đi hết.
- Chùa Htee Lo Min Lo: có thể gọi đây là ngôi chùa phát sáng bởi sau khi hoàng hôn buông xuống, Htee Lo Min Lo sẽ rực sáng trong màn đêm đen.

Ngôi chùa luôn sáng vào ban đêm
- 4 ngôi chùa sẽ khiến điều ước bạn thành hiện thực: đó là Chùa Shwe Se Khone, Chùa Law Ka Nandar Pagoda, Chùa Tu Ywin, và Chùa Tant Kyi. Trong đó chùa Tu Ywin có thể nhìn thấy từ nhà hàng Sunset Garden và Chùa Shwe Se Khone từ phía bên kia sông Ayeyarwady. Chùa Tu Ywin và Tant Kyi nằm trên 2 ngọn núi. Để đến được đó, bạn cần thuê thuyền đi qua sông, sau đó thuê oto lên núi để đến chùa. Truyền thuyết kể rằng nếu ai đi được hết 4 ngôi chùa trong 1 buổi sáng, điều ước của người đó sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên có 2 ngôi chùa nằm ở trên núi, phía bên kia sông. Vì vậy chẳng mấy ai thực hiện được việc đó. Vậy là chúng tôi nói đùa với nhau, thay vì tôi đi cả 4 ngôi chùa để cầu mong con đường tình duyên sáng sủa hơn trong năm 2016, tôi sẽ chỉ đi 1 ngôi chùa, nhưng cả 4 người trong nhóm sẽ cùng cầu một điều ước chung cho tôi. (LOL)
Ảnh: Chùa Shwe Se Khone. Bạn nên đi theo kiểu Kora, đi vào một cổng chính, đi theo hướng trái trọn một vòng và thầm nguyện ước

Sông Ayeyarwady nhìn từ chùa Shwe Se Khone và khuôn viên chùa như công viên mini với cây xanh tỏa bóng mát và ghế ngồi.
- 3 ngôi chùa của những cái “nhất”. Người Myanmar vẫn ngân nga câu hát “Massiveness that is Dhammayan Gyi, Loftiness that is Thatbyinnyu, Grace that is Ananda.” (Đồ sộ nhất là Dhammayan Gyi, Cao nhất là Thatbyinnyu, Lộng lẫy nhất là Ananda).
Chùa Ananda: Ngôi chùa đẹp nhất Bagan. Trong màn đêm, Ananda lộng lẫy hơn tất cả những ngôi chùa, tháp khác. Ananda có kiến trúc đặc biệt, làm bằng đá với stupa (tháp hình quả chuông úp) nằm ở giữa, đỉnh tháp dát vàng. Chùa có 4 mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt có một gian thờ với một tượng Phật cao gần 10 mét được dát vàng lấp lánh.
Chùa Dhama Yan Gyi: Ngôi chùa đồ sộ nhất Bagan. Chùa được xây dựng dưới thời vua Narathu (1167-70). Tương truyền rằng ngày đó đức vua phải lòng một người phụ nữ đã có gia đình. Vua liền ra lệnh cho chồng nàng xây Chùa Dhama Yan Gyi với yêu cầu khắt khe rằng giữa tất cả các viên gạch không được phép có một khe hở, một chiếc kim cũng không được phép lọt qua. Tất nhiên người đàn ông không thể đáp ứng được yêu sách này, và bị vua ra lệnh xử tử. Đây là cách để ông dành lấy người phụ nữ ông yêu. (Câu chuyện này do May kể cho tôi, dù tôi đã cố gắng nhưng không tìm được phiên bản này trên Internet :p)

Chùa Dhama Yan Gyi được xây dựng với yêu cầu không một cây kim nào được phép lọt vào giữa hai viên gạch
Cũng có một câu chuyện rằng sau khi giết chết vị cha đáng kính của mình, Narathu lên ngôi và xây dựng chùa. Nhưng trước khi công trình được hoàn thành, Narathu đã bị ám sát. Một ngày nọ, Narathu cảm thấy không hài lòng với nghi thức Hindu nên đã ra lệnh giết chết người tiến hành các nghi thức, cũng là con gái của vua Pateikkaya. Sau đó vị vua này cử người hành quyết Narathu ngay tại ngôi chùa đồ sộ này.

Những con thú múa rối được bày rất nhiều bên ngoài chùa
Chùa Thatbyinyu: Ngôi chùa cao nhất do vua Alaungsithu (1113-1163) xây dựng. Chùa có lối kiến trúc hai tầng, cổ kính, khác hẳn những chùa tháp còn lại ở Bagan.
- Chùa Myazedi – Chùa Gubyaukgyi
Trong tất cả ngôi chùa tôi ghé qua, ấn tượng nhất lại là chùa Gubyaukgyi được xây dựng năm 1113 bởi hoàng tử Rajakumar. Đây là ngôi chùa cổ duy nhất không được phép chụp ảnh. Bên trong có kiến trúc đặc biệt với hàng loạt bức tranh vẽ Jakata trên tường được coi là cổ nhất ở Bagan với tiếng Mon Cổ, một trong những ngôn ngữ được sử dụng sớm nhất tại Miến Điện. Những bức tranh minh họa một số câu chuyện ví dụ như 6 giấc mộng của Kosala. Chùa Gybyaukgyi nằm ở phía Đông bên trong chùa Myazedi.
Ảnh: Du khách không được phép chụp ảnh trong chùa Gybyaukgyi và bên trong chùa rất tối

Chùa Myazedi nổi tiếng bởi hai cột đá cổ với 4 thứ tiếng ở khu vực Đông Nam Á xa xưa được viết lên cột bao gồm tiếng Pali, Mon cổ, Miến Điện cổ, và Pyu.

Trang phục truyền thống của người Myanmar
Chùa Bupaya: chúng tôi đến chùa Bupaya vào buổi tối, trước đêm Giao Thừa. Chùa nằm phía bờ bên phải dòng sông Ayeyarwady, được xây dựng bởi Pyusawhti, vị vua Pagan (tên gọi cũ của Bagan) đời thứ 3, trị vì từ năm 168 đến 243. Nhìn từ chùa Bupaya, hàng chục chiếc đèn lồng được thả trôi trên dòng sông Ayeyarwady. Buổi tối hôm đó, bờ sông Ayeyarwady rộn ràng hơn cả bởi các nhóm du khách hát ca rộn ràng đón chào Năm mới. Chùa Buu có một stupa rất to ở giữa, nơi chúng tôi cần đi trọn một vòng và khẩn khoản ước muốn. Trong chùa có một hành lang đi bộ rất đẹp. Trong trận động đất năm 1975, chùa bị phá hủy hoàn toàn, vỡ vụn thành từng mảnh rơi xuống dòng sông Ayeyarwady. Trước đó chùa được xây dựng bằng gạch, sau trận động đất, chùa được xây dựng lại với vật liệu hiện đại như bê tông.
- Chùa Gawdawpalin: là ngôi chùa cao thứ nhì tại Bagan, với lối kiến trúc tương tự chùa Thatbyunnyu với hai tầng, 3 hành lang dưới và 4 hành lang phía trên. Chùa bị phá hủy nặng nề sau trận động đất năm 1975 và được tu sửa lại sau đó.
- Chùa Manuha Gaphaya: được xây dựng năm 1059 bởi vua Manuha. Vua Manuha khi đó bị lật đổ và giam lỏng bởi Anawrahta. Khi đó, Manuha đã đề nghị xây dựng ngôi chùa này để thể hiện nỗi thống khổ khi bị giam cầm của ông. Ông bán hết của cải quý giá và cho xây dựng ngôi chùa mang tên mình trong thời gian dài. Để thể hiện việc bị giam lỏng, bức tượng Manuha trong chùa trông khá to và chật chội. Tại đây có rất nhiều gạo được dùng để ủng hộ.
- Bagan House: Xưởng sản xuất đồ sơn mài và thủ công. Tại đây du khách được quan sát quá trình làm đồ sơn mài và vật dụng thủ công của Bagan.

Bagan House có view chụp ảnh truyền thống lý tưởng :p
Chợ ở Bagan
Khác biệt với Old Bagan và 2000 ngôi chùa tháp cổ, New Bagan nhộn nhịp với khách sạn, nhà hàng, và chợ buôn bán. Tại chợ Bagan, du khách vẫn cần mặc cả nhưng giá không quá chênh lệch. Bạn có thể trả giá ½ trước, nhưng thường người bán chỉ thách một chút chứ không nhiều. Điều tôi thích thú nhất ở chợ ở Bagan là nhịp sống ở đây. Nhanh với những chiếc xe ngựa, xe phu chạy vội vã trên đường, mà cũng chậm với người đàn ông mặc váy lững thững bước đi, hay đôi bạn già ngồi đọc báo lặng lẽ trên vỉa hè.

Cuộc sống bình yên bên ngoài chợ
III. Mua sắm
Bạn nên mua quần Alibaba, chỉ khoảng 3500 – 5000 kyat/chiếc (tầm 60-100k) và Thannakhar, một loại bột dùng bôi lên mặt, rất mát và mịn da. Bột Thannakhar thường được cả phụ nữ lẫn đàn ông Myanmar bôi để tránh nắng và đẹp da.
Một bộ váy truyền thống của Myanmar được bán với giá khoảng 3500 – 5500 kyat cho longyi (chân váy) và 2500 – 4000 kyat cho áo.
Ảnh: Cậu bé bán postcard ở Bagan bôi Thannakhar trên khuôn mặt tinh nghịch

Bộ váy truyền thống của Myanmar tôi được cô bạn Thet tặng ở Myanmar
IV. Khách sạn
Aye giới thiệu chúng tôi đến khách sạn New Wave với giá 40 USD/ngày/phòng đôi. Tuy nhiên vì phòng vệ sinh đột ngột hỏng nên cô không đồng ý ở mà chuyển sang một khách sạn khác. Vì đây là đợt nghỉ lễ nên hầu hết các khách sạn đều kín phòng. Với mối quan hệ rộng, Aye ngay lập tức được giới thiệu đến khách sạn Thumbula với giá tương đương (50.000 kyat/phòng đôi/ngày).
Khách sạn này khá sạch sẽ với phòng ăn ở sân thượng thoáng đẹp. Phòng tiện nghi được, không quá đẹp nhưng tôi nghĩ mức giá này khá hợp lý và phổ biến ở Bagan.

Xe ngựa có ở khắp nơi ở Bagan, trước cửa khách sạn hay ngoài chợ
Ảnh: Chúng tôi dùng bữa sáng tại khách sạn. Tầng thượng được sử dụng để ăn sáng khá sạch sẽ, thoáng mát.
Cảm nhận chung
Cố đô Bagan thực sự rất đáng đến để trải nghiệm cảm giác nhẹ bẫng, thư thái. Nhắc đến Bagan là nhắc đến chùa tháp, hoàng hôn và bình minh. Tôi nghĩ cảm giác chờ đợi khoảnh khắc kỳ diệu của bầu trời đến mức nín thở trong không gian lặng như tờ, ai nấy đều chung một điều mong chờ luôn là giây phút đáng nhớ của chuyến đi này.
So cool, Anh Phuong!
Chị Phương ơi tổng chi phí từ a-z cho 1 tuần là bao nhiêu vậy ạ? 😀 Em dự định sau Tết 2018 đi Myanmar 2 tuần: 1 tuần để tham gia thực tập thiền, và 1 tuần để đi chơi giống chị.
Hiếu ơi đợt đó chị đi 7 ngày budget là khoảng 12tr cả shopping mua quà lưu niệm lặt vặt, chị đi nhóm 4 người và thuê xe oto đi kiểu road trip nên kinh phí có thể sẽ khác e ở khoản đi lại đó. Mà ăn ở ở Myanmar rẻ lắm nên c nghĩ e đi 1 tuần 10-12tr ok.
Hi, bạn kể chuyện so great and dễ thương lắm.
Hihi cám ơn bạn nhiều 😀
Hi, Chào Phương. E kể lại chuyến đi dùng câu văn-lời lẻ hay qua, you are so great.
Em may mắn lắm mới được gặp chị. Trang của chị nhiều bài hay quá trời !!!!!
Hehe cám ơn Dinh nhé em. You made my day 🙂
Hi Phương,
Đọc bài viết của bạn mình nắm được nhiều thông tin bổ ích lắm. Sắp tới nhóm mình có plan đi Myanmar cũng tầm 9 ngày và các điểm gần giống như lịch trình của bạn.
Bạn còn giữ contact của bác tài xế đó không? Mình muốn book xe bác ấy cho nhóm mình đi lại.
Cảm ơn bạn nhé!
Hi bạn, mình không giữ contact của tài xế bạn ạ. Bạn thử google tìm hãng du lịch hoặc hãng xe cho thuê oto xem. Mình đang hỏi lại bạn mình xem có số của hãng xe nào bên đó không. Nếu có thì mình rep lại bạn nha
Thuy Vinh ơi, bạn mình là người Myanmar giới thiệu contact của công ty Direct Go Travels, là công ty của người quen bạn ý có dịch vụ cho thuê xe oto. Contact là Ms. Nilar Win, Director of Direct Go Travels and Tour. Email: directgo99999@gmail.com, SDT: 09402511113 hoặc 09794804786 ở Yangon. Bạn liên hệ với họ nhé, bạn mình đã hỏi trước chị giám đốc rồi. Khi nào bạn contact thì nhắn là do Mayy giới thiệu nhé. Bạn mình hoàn toàn là tìm và giới thiệu giúp để các bạn đi an toàn chứ ko phải môi giới gì đâu nha (Sorry mình nói rõ để tránh bị bạn hiểu nhầm ^^)
Minh cung muon di qua! cam on ban